Biển cạn Lũng Pù trên cao nguyên đá - Du lịch Tafi Tour

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Biển cạn Lũng Pù trên cao nguyên đá

(TTO) - Sau bảy năm cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu, việc khai thác du lịch có những chuyển biến, nhưng chủ yếu du khách chỉ mới biết đến nơi này bởi mùa hoa tam giác mạch.

Vào lòng biển cạn

Đi tìm những giá trị di sản có thể mang đến sức hút lớn hơn, mang đặc trưng của công viên địa chất là sự thôi thúc của một nhóm nhà khoa học tâm huyết.
Năm 2009, TSKH Vũ Cao Minh - nguyên phó viện trưởng Viện Địa chất phụ trách giảng dạy môn địa kỹ thuật tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội - đưa những sinh viên của ông lên cao nguyên Đồng Văn. Ông vừa đi đường vừa giảng giải. Vẻ đẹp lạ của những hẻm vực, vách đá trở nên cuốn hút hơn về những giá trị, ý nghĩa khoa học của chúng qua giảng giải của ông.

“Cao nguyên đá Đồng Văn là một pho tư liệu quý, là cuốn giáo trình sống động cho những sinh viên chuyên ngành địa chất, địa kỹ thuật. Ở các nước có công viên địa chất, người ta thiết kế nhiều tour khám phá và thực tập cho sinh viên.

Tiếc là ở Việt Nam chưa làm được thế. Tôi gắn bó với cao nguyên này lâu rồi, nên khi có dịp lên đây thì tranh thủ đưa sinh viên theo để các bạn ấy được biết” - TS Vũ Cao Minh chia sẻ với chúng tôi, cùng đi trong chuyến đi này.
Dulichgo
Trên đường từ thị trấn Mèo Vạc qua Khâu Vai, chúng tôi dừng lại ở một rừng đá thấp thoáng trong sương. Đây là khu vực xã Lũng Pù, giáp ranh với xã Cán Chu Phìn (Mèo Vạc). Những vỉa đá đẹp và lạ trong không gian khoáng đạt. Nhưng với TS Vũ Cao Minh, ông đặc biệt quan tâm đến những hóa thạch ở khu vực này.

Suốt 9 năm trời sau đó và giờ đây ông trở lại với đề tài “Nghiên cứu xác định các giá trị nổi bật và thử nghiệm tôn tạo một số loại hình di sản phục vụ phát triển du lịch trên công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn”, do ông là chủ nhiệm đề tài. Khu vực đang được nhắc đến được nhóm các nhà khoa học đặt tên là “Biển cạn Lũng Pù”.

“Biển cạn” này nằm trên diện tích khoảng 10ha với những hóa thạch cực kỳ phong phú. Lý do các nhà khoa học gọi đây là “biển cạn” vì họ tìm thấy hóa thạch một số loài động vật sinh sống bám đáy biển nông vào thời kỳ cách đây 300 triệu năm.

Trong các lớp đá vôi sáng màu có các di tích vỏ loài Gigantoproductus, loài “tay cuộn dài khổng lồ”. Ở đây cũng được tìm thấy các quần thể san hô vách đáy và san hô bốn tia cực kỳ lớn, đường kính đạt 0,5-1m, khiên đuôi bọ ba thùy Breviphillipsia sp, chiều rộng 5cm cùng loài huệ biển với các đoạn thân cuống dài gần 20cm, đường kính 2-3cm. Rừng đá ở đây có dạng cánh buồm hoặc búp đao. Các “cánh buồm” cao 2-8m, chiều rộng đáy tới 3-4m.

“Nếu hình dung chúng ta đang trở lại 300 triệu năm trước thì trước mặt chúng ta là biển với những sinh vật đa dạng, còn các cột đá kia là những cánh buồm trên mặt biển” - TS Vũ Cao Minh phác thảo những hình ảnh lãng mạn từ 300 triệu năm trước.
Dulichgo
“Khu vực này có thể phát triển khu du lịch chuyên đề về hóa thạch cổ sinh trong kỷ Carbon - Permi với độ phong phú của hóa thạch cao nhất trên cao nguyên đá. Các hóa thạch kết hợp với rừng đá đáp ứng tiêu chí về du lịch khoa học chuyên đề” là nhận định được nhóm nhà khoa học cùng làm việc với TS Vũ Cao Minh công bố vào cuối tháng 12-2016.

Theo các nhà khoa học, kết nối những di sản còn ẩn giấu trong đá với du khách, thúc đẩy du lịch là một trong những cách thay đổi cuộc sống nghèo khó của đồng bào dân tộc ở cao nguyên đá.

Những điều kỳ thú

Trở lại cao nguyên đá Đồng Văn cùng nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu trước khi công bố những phát hiện mới vào đầu năm 2017, chúng tôi mới biết có nhiều loại rừng đá, vườn đá thật độc đáo.
Men theo những lối mòn nhỏ, đôi lúc phải trèo qua những khe đá chênh vênh, chúng tôi mới đến một rừng đá ở bờ hẻm vực Mã Pí Lèng.

Mã Pí Lèng là một trong những điểm đã được nhiều du khách biết đến với các vách đá dựng đứng, được xem như tượng đài địa chất, nhìn xuống là dòng sông Nho Quế như một dải lụa nhỏ uốn lượn. Nhưng lâu nay hầu hết khách chỉ dừng chân trên con đường chính từ thị trấn Đồng Văn sang Mèo Vạc, nên ít ai biết đi sâu vào trong khoảng vài cây số còn có những điểm kỳ thú.
Dulichgo
Theo chân các nhà địa chất trong nhóm nghiên cứu, chúng tôi bắt gặp các trụ đá, tháp đá chiều cao 4-5m, có những trụ đá cao khoảng 15m. “Đây là khu vực vườn đá có chiều cao phổ biến lớn nhất so với các vườn đá đã biết trên cao nguyên đá Đồng Văn và vào loại cao trên thế giới” - TS Vũ Cao Minh cho biết.

“Các tháp đá ở hẻm vực Mã Pí Lèng rất lạ, bề mặt có các đường gân, gắn kết các mảnh dăm màu sáng, có tháp dạng lũy, có tháp giống hình động vật” - TS Minh phân tích ở góc độ khoa học. Dễ dàng nhận thấy quần thể các tháp đá thu hút ở vẻ đẹp kỳ vĩ. Nhiều tháp đá có thể được hình dung theo cái nhìn khác nhau của mỗi người.

Ví dụ có những cụm tháp như bà mẹ dắt tay đứa trẻ, có tháp như hình đầu sư tử... Từ quần thể tháp đá này có thể nhìn thấy các bản người Mông đặc trưng, trong đó có những bản ở độ cao trên 1.000m là Mã Pí Lèng, Lũng Chư (Mèo Vạc)...

Tại xã Khâu Vai (Mèo Vạc) còn có những vườn đá được nhóm nghiên cứu phát hiện trông như rừng hoa, do phần đỉnh cây đá dày đặc rãnh xâm thực đan chéo nhìn như nụ hoa, bông hoa, những vết phân lớp trầm tích như đài hoa.

Các vườn hoa đá này nằm ở khu trũng ngay gần chợ tình Khâu Vai nổi tiếng, những tàn tích tạo nên mạng lưới đường đi hiếm gặp giống như mê cung. Vì thế, cái tên “Mê cung đá” với các di sản địa chất dày đặc là một trong những điểm mà nhóm nghiên cứu đề xuất thành “điểm nhấn” về du lịch.
Dulichgo
Khác biệt rõ nhất là những di sản địa chất karst phong phú ở thôn Thành Mã Tủng (xã Sà Phìn, Đồng Văn) với những ngọn núi đá dạng chóp, dạng kim tự tháp cao tới 1.500m. Khá nhiều “phượt thủ” đã ghé thăm nơi này vì khung cảnh độc đáo, nhưng cũng vì lời đồn các vật thể dạng kim tự tháp có khả năng thu năng lượng từ vũ trụ và lan tỏa chúng ra xung quanh sẽ tốt cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, để quy hoạch bài bản thành điểm dừng chân cho tour du lịch khám phá thì chưa có.

PGS.TS Phạm Văn Lực, nguyên giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên, có mặt trong chuyến đi với chúng tôi cho rằng “mô hình bảo tàng mở cần được đặt ra ở nhiều điểm tại cao nguyên đá này để không chỉ các nhà khoa học, mà người dân bình thường cũng được biết về những giá trị của di sản”.

Xây dựng một khu du lịch chuyên đề tại Thành Mã Tủng cũng là một trong những đề xuất mới của nhóm nghiên cứu, hướng tới đi kèm với các khảo sát chi tiết những di sản tại nơi này.

Loài tay cuộn và dấu vết của 80% loại động vật biển

Trên đường trở về từ cao nguyên đá, chúng tôi được nghe TS Nguyễn Hữu Hùng, chuyên gia nghiên cứu về địa tầng và cổ sinh, kể về khám phá loài tay cuộn.

TS Hùng là thành viên của nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu tìm kiếm các kết quả mới của di sản địa chất và đã phát hiện dấu vết loài tay cuộn trong các chuyến thực địa ở cao nguyên đá.
Dulichgo
“Khi nhóm khảo sát tìm kiếm tại các vết lộ đá vôi ở bản Làn Chải A (gần khu vực Lũng Pù, Mèo Vạc) thì chúng tôi phát hiện hóa thạch của loài tay cuộn khổng lồ. Di tích vỏ tay cuộn được lộ ra ở lớp đá vôi sáng màu thuộc hệ tầng Bắc Sơn. Chiều rộng đạt 13-15cm, chiều dày vỏ 1,5-2cm, có niên đại 346-330 triệu năm, thuộc kỷ Vize của kỷ Carbon” - ông Hùng cho biết.

Từ phát hiện loài tay cuộn, nhóm nghiên cứu cũng xác nhận có đến 80% các loài động vật biển sớm được biết đến ở Việt Nam được tìm thấy tại vết lộ ở bờ phải sông Nho Quế thuộc huyện Mèo Vạc. Phần lớn chúng được bảo tồn hoàn hảo, đặc biệt trong các tập sét vôi và đá vôi.

Phòng thí nghiệm ngoài trời

Theo TS Vũ Cao Minh, hầu hết sinh viên ngành địa chất, địa lý có thể nghiên cứu hoạt động địa chất sống động ở cao nguyên đá Đồng Văn qua các khối đá ép tạo nếp vồng, nếp oằn xuống hoặc đứt gãy giữa các lớp đá trườn lên nhau, tìm hiểu chu kỳ biến đổi khí hậu của Trái đất gây nên các trận hủy diệt một phần sinh vật trên Trái đất, gây nên sự biến mất của nhiều loại sinh vật biểu hiện qua các dấu tích hóa thạch trong đá.

“Đây giống như phòng thí nghiệm ngoài trời về địa chất động lực” - TS Vũ Cao Minh khẳng định.

Nguồn:dulichtafi.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đóng