Dưới chân núi Ngọc Lân - Du lịch Tafi Tour

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Dưới chân núi Ngọc Lân

(BQN) - Khi cái lạnh ở nơi cao nhất xứ Phước Sơn được hâm nóng bởi chén rượu nồng, ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc thì thầm: “Ở đây có làng... tự lập. Muốn đi xem không?”.

Chúng tôi men theo con đường dốc dựng đứng để tìm vào thôn 6 (xã Phước Lộc, Phước Sơn) trên “con ngựa sắt” cũ kỹ. Dù đã cài số 1 nhưng chiếc xe cũng rít lên những tiếng khét lẹt, cố bò qua từng đoạn đường đầy đá dăm đang chuẩn bị đổ bê tông. Hai bên đường là những cánh rừng già nua, tỏa ra thứ sương trắng lờ nhờ đủ để cảm nhận cái lạnh đang len lỏi trong từng thớ thịt. Mất chừng hơn tiếng đồng hồ, vượt qua những đoạn bùn lầy thì làng hiện ra, lọt thỏm giữa màu xanh bạt ngàn của núi.

Trồng su su

Làng chừng hơn 30 hộ được bố trí men theo sườn dốc dưới chân núi, mỗi nhà đều có một khu vườn riêng xanh ngắt với những giàn cây chi chít trái. “Ở đây, mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa, vì lạnh quá, mùa mưa lúa chẳng trổ bông được. Nhưng bù lại, mẹ thiên nhiên lại cho chúng tôi nhiều thứ khác” - anh Hồ Văn Đoàn, Trưởng Công an xã Phước Lộc - người dẫn đường cho chúng tôi nói. Rồi tay chỉ về những giàn cây chi chít trái ấy bảo: “Ở đây người dân gọi đó là những trái su su. Nhờ nó mà cả làng có thêm đồng ra đồng vào. Cứ hái đem đi bán cho những công nhân đang làm công trình hay làm vàng là đủ đi chợ…”.

Thổ nhưỡng và khí hậu ở đây thích hợp nên trái su su phát triển rất tốt. Theo lời của già Hồ Thị Nhum thì mỗi tuần 2 lần già lại ra vườn hái quả đem đi bán lấy tiền đong gạo. Ngoài trái thì có thể cắt ngọn ăn như rau. “Chẳng biết nó có từ đâu, từ bao giờ nhưng lâu nay dân làng vẫn sống nhờ nó. Làm lúa được ít, bán nó lấy tiền mua gạo”- già Nhum cười bảo.
Dulichgo
Theo Trưởng thôn Hồ Văn Đông, làng vốn là một nhóm người từ phía bên kia dãy núi Ngọc Linh của Kon Tum và Nam Trà My di dân sang. Thấy ở đây cũng có khí hậu tương đồng, ngọn núi đủ cao, rừng đủ xanh thì dừng lại, lập làng và đặt tên ngọn núi là Ngọc Lân. Ban đầu làng chỉ mười mấy hộ, giờ đã phát triển thành hơn 30 hộ dân sống quây quần với nhau. “Giống trái cây này cũng được đem từ bên ấy qua mà trồng. Hồi đó mình còn nhỏ nên chẳng nhớ rõ, chỉ biết cha có dặn, bằng mọi cách phải giữ được giống của nó làm vốn khi đói mùa giáp hạt”- ông Đông giải thích.

Trưởng thôn Hồ Văn Đông kéo chúng tôi về nhà cho bằng được. “Mấy khi có khách quý. Vào đây tôi đãi mấy chú đặc sản của rừng”. Nói rồi ông đi nhanh về nhà chuẩn bị. Món mồi là những miếng thịt sóc núi được hong khô trên giàn bếp, là chai rượu được nấu bằng thứ men lá cây rừng. “Mình không uống rượu ở dưới xuôi nấu đâu, đau đầu lắm. Ở đây mọi người tự nấu cho mình loại rượu đặc trưng để uống, êm cái bụng”- già Đông cười nói.
Dulichgo
Lấy mật ong

Phân nửa cuộc rượu, thấy chúng tôi nhấp nhổm, già Đông thủng thẳng khoát tay: “Mình mời các chú thứ này nữa”. Nói rồi chạy vội vào buồng, rót ra nửa ly lớn mật ong thơm nức bảo: “Uống đi! Khỏe lắm đấy. Dân ở đây, uống nó như một loại thuốc. Đau bụng, đau đầu hay mệt mỏi chỉ cần uống một ly là khỏi à!”.

Vị đặc sánh ngọt dịu, không gắt, mùi thơm nồng xộc lên mũi khiến chúng tôi biết đây là loại mật ong thượng hạng. “Ở làng mình có bán cả mật ong này. Muốn mua thì đi bất cứ nhà nào trong làng cũng có. Ai cũng trữ cả mấy chục lít đấy”.

Nói rồi ông lại kéo tay chúng tôi qua nhà hàng xóm tìm mua mật ong, vừa đi vừa kể về sự biệt đãi của rừng dành cho làng. Từ hồi mới lập làng, ông đã theo bậc các cha chú đi vào rừng tìm mật, vô tình thấy cánh rừng có ong bộng về cho mật, xong mùa thì đi và đến mùa lại tìm về. Vậy là nghề lấy mật ong bộng có từ đó. Và nhà nào cũng có đủ tiền để dựng nhà, mua sắm vật dụng cho cuộc sống nhờ thu nhập từ “món quà” của mẹ thiên nhiên.
Dulichgo
Hồi mới phát hiện ra rừng cây có ong bộng về cho mật, cả làng chia nhau mỗi nhà trông chừng một khoảnh riêng. Theo già Đông, con ong bộng này có đặc điểm rất lạ, nếu đã chọn cây nào làm nhà, thì mùa sau lại kéo về đúng chỗ đó để xây tổ. Chỉ cần cái cây đó không còn thì nó cũng bỏ đi mất.

“Chúng thường chui một lỗ lớn trên thân cây để làm tổ. Sau mùa lấy mật thì chúng kéo nhau đi đâu đó. Mình phải chọn những viên đá để làm nắp, đậy những cái lỗ đó lại để đến mùa lại mở ra cho chúng vào. Thậm chí, nếu viên đá giữ cửa đó mà bị thay bằng thứ khác thì ong cũng bỏ đi mất”- già Đông nói.

Cũng vì thế mà người làng bảo vệ rừng như bảo vệ gia sản của mình. Mất rừng đồng nghĩa với việc họ mất đi nguồn lợi lớn. Nhà nào càng giữ được cho mình nhiều cây thì lại thu hoạch mật ong càng lớn. Như ông Hồ Văn Yên, được biết đến như một “đại gia” của làng với lượng mật thu hoạch mỗi mùa lên đến cả trăm lít. Hồi trước, chưa biết gửi tiền ở ngân hàng, gia đình ông gói tiền trong túi ni lông rồi nhét đầy ở giàn bếp. Đến khi đem xuống kiểm tra thì phần lớn bị sức nóng làm cháy xém cả một góc nên sau này rút kinh nghiệm, có tiền là gửi ngân hàng!

“Hầu như thứ họ phải mua là gạo, còn lại nhu yếu phẩm thì đều tự cấp. Người ở đây không ỷ lại, trông chờ vào thiên nhiên. Vào mùa thì lên thăm cái rẫy, trồng bắp, trồng khoai mà trữ cho mùa đông. Cả chục năm rồi cả làng chưa có chuyện to tiếng với nhau. Nhờ thế chính quyền xã cũng đỡ lo”- ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho hay.
Dulichgo
Sau khi mua mấy lít mật ong về làm quà, chúng tôi xin phép rời làng khi cơn mưa chiều bắt đầu nặng hạt. Đó cũng là lúc những phụ nữ trong làng từ rẫy trở về. Xa xa khói xanh đặc quánh quyện với sương mù bay lên từ những chái bếp. Cuộc sống an yên của họ cứ thế lặng lẽ ở dưới chân núi Ngọc Lân hùng vĩ.
Giá mà, làng có một cái tên để gọi lên, không phải là con số 6 như bây giờ. Tự dưng tôi ước vậy!

Nguồn:dulichtafi.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đóng