Địa danh Du lịch huyện Vân Hồ - Du lịch Tafi Tour

Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

Địa danh Du lịch huyện Vân Hồ

(VHO) - Vân Hồ nằm trên tuyến giao thông huyết mạch của vùng Tây Bắc, cách thành phố Sơn La 140km và cách Hà Nội 170km theo Quốc lộ 6. Vân Hồ được thiên nhiên ưu ái ban tặng nguồn tài nguyên quý giá, giàu tiềm năng cùng với các khu di tích lịch sử, văn hóa phi vật thể và cả những nét văn hóa mang đậm chất của đồng bào dân tộc. Huyện có đường biên giới gáp với huyện Sốp Bâu, nước Cộng hòa DCND Lào, nằm trong khu du lịch Quốc gia Mộc Châu và vùng trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch trung du và miền núi Bắc Bộ.

Nói đến Vân Hồ vùng đất trù phú với khí hậu mát mẻ quanh năm, không thể không nói đến những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp trải dài trên các triền đồi, những thung lũng hoa đào, hoa mận, hoa cải trắng hồng và cả các khu du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng hay các Lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc các dân tộc nơi đây.
Một số địa danh du lịch có thể kể như...

1. Rừng thông bản Bó Nhàng, Hua Tạt xã Vân Hồ với diện tích trên 100ha, là khu đồi thông trên 20 năm tuổi có cảnh quan đẹp trên những triền đồi, nằm dọc Quốc lộ 6, thuận tiện về giao thông nên rất thích hợp cho loại hình du lịch như: cắm trại, picnic,...
Dulichgo
Đặc biệt khi mùa đông đến cả cánh rừng thông được bao phủ bởi lớp sương mù dày đặc, xen vào đó là những tia nắng mặt trời xuyên qua thảm sương mù, tạo nên một khung cảnh hùng vĩ của đất trời.

2. Những đồi chè trải dài bát ngát với diện tích gần 1.000 ha tại các xã: Vân Hồ, Chiềng Khoa, Tô Múa, Chiềng Yên,...

Đặc biệt khu đồi Chè Nhật với diện tích trên 50 ha nằm trong Khu quy hoạch Trung tâm hành chính, chính trị của huyện, nhìn ra phía hồ Sao Đỏ, đồng cải, khu chăn nuôi bò sữa. Khu vực này phù hợp phát triển các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, píc níc, chụp ảnh,...

3. Khu du lịch sinh thái Chiềng Yên với khung cảnh đẹp của núi rừng và bản sắc văn hoá truyền thống phong phú, đa dạng của người dân bản địa, kết hợp với các món ẩm thực mang đậm bản sắc của dân tộc Mường, Thái,… có thể phát triển các sản phẩm du lịch: nghỉ dưỡng, tham quan, píc níc, chữa bệnh, khám phá các nét văn hoá đặc trưng của dân tộc, ẩm thực…

- Thác Tạt Nàng, bản Phụ Mẫu I: với chiều cao trên 100m, xung quanh thác là hệ thống các hang động nhỏ với các nhũ đá do thời gian đã tạo thành những khung cảnh đẹp.
Dulichgo
- Suối nước khoáng tại bản Phụ Mẫu II: Có hàm lượng khoáng cao, nhiệt độ ổn định, hòa cùng với khung cảnh nên thơ của núi rừng Tây Bắc tạo thành một điểm đến thú vị cho khách du lịch.

- Suối cá bản Bướt: với chiều dài trên 3 km, có nhiều loài cá khác nhau được nhân dân bản địa bảo tồn một cách tự nhiên.

4. Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha có diện tích 18.267,5 ha, chủ yếu nằm trên địa bàn các xã Xuân Nha, Tân Xuân, Chiềng Xuân. Có nguồn tài nguyên rừng phong phú với nhiều nguồn gen động - thực vật quý hiếm có giá trị cao về nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen. Tập trung trong vùng rừng đặc dụng Xuân Nha với khoảng 456 loài thực vật thuộc 4 ngành với các loại gỗ quý phân bố trên toàn địa bàn như Bách xanh, Thông, Chò,.. và có 48 loài động vật hoang dã như: Gấu, hoãng, lợn rừng,…cùng với hệ thống hang động có nhiều nhũ đá do thời gian tạo thành những khung cảnh đẹp, là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, khám phá núi rừng, nghiên cứu khoa học,…

5. Khu du lịch sinh thái Rừng Pa Cốp có diện tích rừng nguyên sinh trên 150 ha, nằm trên địa bàn bản Pa Cốp, xã Vân Hồ, sát Quốc lộ 6 và trung tâm huyện Vân Hồ. Có nhiều loài động thực vật quý hiếm, cùng hệ thống vách đá vôi hùng vĩ, bên cạnh bản Pa Cốp của người dân tộc Mông còn lưu giữ được nhiều nét văn hoá truyền thống độc đáo,...

Là nơi có thể phát triển các loại hình dịch vụ du lịch như: đi bộ, leo núi, khám phá văn hoá dân tộc, nghiên cứu khoa học,...

6. Hồ Sông Đà diện tích gần 2.000 ha trải dài trên địa bàn 5 xã bao gồm: Quang Minh, Mường Tè, Song Khủa, Liên Hoà, Suối Bàng. Lòng hồ thuỷ điện Sông đà với các đảo nhỏ nhấp nhô trên mặt nước mênh mông, được ví như một Hạ Long trên núi. Là vùng “sơn thủy hữu tình” hấp dẫn du khách gần xa,…
Dulichgo
Đến với lòng hồ sông đà là đến với cảnh đẹp của núi non, nước và trời, có thể lên đến thuỷ điện Sơn La hoặc xuôi xuống thủy điện Hoà Bình, kết hợp với tham quan Đền Hang Miếng, Khu di chỉ khảo cổ Hang Mộ Tạng Mè nơi đây phù hợp với các dịch vụ du lịch tâm linh, khám phá núi rừng, sông nước, trải nghiệm văn hoá ẩm thực,…

7. Khu căn cứ cách mạng Mộc Hạ nằm trên địa bàn 6 xã: Quang Minh, Mường Tè, Song Khủa, Tô Múa, Mường Men, Chiềng Khoa là nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của đồng bào, nhân dân các dân tộc vùng Mộc Hạ trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp với những chiến công đã được ghi vào lịch sử như: Nơi tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ nhất, tại bản Cóm, xã Mường Men; sự kiện Hũ rượu ngàm bản Lòm, xã Quang Minh; nơi thành lập trung đội vũ trang đầu tiên tại bản Nà Đồ xã Chiềng Khoa,... khu vực này thích hợp phát triển các loại hình du lịch như: nghiên cứu khám phá lịch sử, picnic, sinh thái,...

8. Hệ thống di chỉ khảo cổ Hang mộ Tạng Mè tại xã Suối Bàng nằm ven sông Đà trên các vách đá vôi, đã tồn tại gần 1.000 năm theo thời gian, được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt năm 2014. Hang Mộ Tạng Mè nằm trên những vách đá cheo leo được người dân bản địa gọi là dãy núi “Ma Lang Chánh”.
Dulichgo
Là hình thức động táng cổ xưa nhất Việt Nam có giá trị lịch sử văn hoá tín ngưỡng là tư liệu về nhân chủng học của tộc người cổ,  đang được tiếp tục nghiên cứu và bảo tồn làm phong phú thêm nền văn hoá truyền thống bản địa,... Bên cạnh những bản làng với cảnh đẹp nguyên sơ, cùng với dòng sông đà như một kiệt tác của thiên nhiên. Khu vực này phù hợp với các dịch vụ du lịch tâm linh, khám phá, nghiên cứu khảo cổ học,...

9. Đền Hang Miếng xã Quang Minh là di tích lịch sử văn hóa hiện nay đang được huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Bảo tàng tỉnh nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Hàng năm Đền Hang Miếng đón trên 20.000 lượt khách du lịch từ thập phương đến tham quan, ngắm cảnh, trải nghiệm và cầu tài, cầu lộc... Khu vực này có thể phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch tâm linh, du lịch ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái,...

10. Các bản làng du lịch cộng đồng: Bản Phụ Mẫu, Nà Bai, bản Bướt (xã Chiềng Yên); bản Lóng Luông (xã Lóng Luông); bản Thín (xã Xuân Nha); bản Suối Lìn, Hua Tạt (xã Vân Hồ),... với cảnh quan, môi trường sống còn lưu giữ được nét sinh hoạt, văn hoá, cùng với các ngành nghề thủ công truyền thống có thể khai thác để tạo thành những sản phẩm du lịch có giá trị.

Nguồn:dulichtafi.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đóng