(KTO) - Dưới ánh mặt trời ngày mới, đỉnh Ngọc Linh lờ mờ hiện ra giữa chập trùng mây trắng, đẹp huyễn hoặc như một bức tranh thủy mặc.
Là đỉnh núi cao thứ 2 tại Việt Nam, Ngọc Linh mang trong mình bao huyền thoại, gọi trí tò mò và cả ước mơ chinh phục của bao người.
Núi Ngọc Linh cuốn hút lòng người không chỉ vì vẻ đẹp bên ngoài mà còn bởi những ý nghĩa, giá trị tâm linh hiện diện trong đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số bao đời nay.
Bí ẩn ngọn núi thiêng
Ngọc Linh Liên Sơn là liên hoàn núi non bao trùm 4 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, bắt đầu từ ngọn Ngọc Lum Heo ở tây bắc cho đến ngọn Ngọc Rơ phía đông nam. Trong đó, Ngọc Linh là đỉnh núi cao nhất (2.598 m), xung quanh còn có những “người anh em” là đỉnh Mường Hoong (2.400m), Ngọc Phan (2.251m), Ngọc Lum Heo (2.116m), Ngọc Kơ-ring (2.066m), Ngọc Bôn Sơn (1.939m),...
Dulichgo
Nếu như đỉnh Phanxipang của dãy Hoàng Liên Sơn được người ta biết đến là đỉnh núi cao nhất Việt Nam thì Ngọc Linh lại được biết đến như một ngọn núi linh thiêng của huyền thoại bao đời nay. Những câu chuyện xung quanh Ngọc Linh khiến người ta cảm thấy e ngại chốn rừng thiêng nước độc kì bí, ẩn chứa nhiều hiểm nguy nhưng cũng dấy lên sự tò mò làm nhiều người muốn chinh phục.
Những người già ở làng Long Năng mới - dưới chân núi cho rằng đỉnh Ngọc Linh cao vời vợi, mây phủ bốn mùa chính là nơi trú ngụ của thần sét. (Sở dĩ gọi là làng Long Năng mới để phân biệt với làng Long Năng cũ, ở sâu trong núi, mãi sau này người dân mới chuyển ra ngoài để đảm bảo cho cuộc sống sau này không bị sạt lở, lũ cuốn). Với uy nghiêm của vị thần này, đỉnh núi được bảo vệ tuyệt đối, xưa nay người của làng cũng hiếm hoi mới lên được chứ đừng nói là người lạ bên ngoài đến.
Nhiều câu chuyện xưa kể lại, những tốp người tìm trầm, tìm sâm đều ra đi rồi không trở lại, họ lạc lối vì rừng sâu huyền bí, hay bị thần sét nổi giận cản lối? Rồi những câu chuyện về thung lũng kỳ bí Ngọc Rêu – nơi không thể xác định tọa độ, người ta có muốn vượt qua thì lại lòng vòng trở lại chỗ cũ. Cho nên, phong tục của dân làng là già làng là trước khi leo núi phải soạn một nghi lễ cúng, phải thật thành tâm chào thần rừng, thần thương thì sẽ không mưa gió, để đường đi được thuận lợi rồi quay trở về an toàn. Già làng cũng dặn dò leo núi nhớ đừng gọi nhau kẻo thần rừng nghe thấy, sẽ làm mình lú lẫn mà lạc lối.
Ngọc Linh kỳ bí, hùng vĩ, ẩn chứa bao điều bí hiểm tạo nên sức hấp dẫn vô cùng, việc chinh phục ngọn núi linh thiêng là mơ ước của nhiều người, đặc biệt là những người thích “chủ nghĩa xê dịch” như chúng tôi, luôn tìm kiếm sự mới lạ trên từng địa điểm. Từ trung tâm thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum), chúng tôi lái xe vàokhoảng 54 km là đến xã Ngọc Linh, đoạn đường ngắn nhưng ngoằn nghoèo, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm, hết sức nguy hiểm.
Nhiều năm về trước, khi chưa có dự án đường Hồ Chí Minh qua đây, đoạn đường này còn nguy hiểm gấp nhiều lần, mùa mưa dầm dề, nước đọng thành vũng lớn như ao, đường lầy lội kéo dài hàng chục km, người ta muốn vào xã Ngọc Linh chỉ còn cách đi bộ từ thị trấn vào chứ không thể đi bất kì loại phương tiện nào khác. Về mùa khô, bụi giăng mù mịt, xe cộ đi một chặng đã được nhuộm một lớp bụi kín mít. Những năm cách mạng, khung cảnh nơi đây lại càng heo hút, nguy hiểm như xưa kia Tố Hữu đã miêu tả:
"Đường lên xứ lạ Kon Tum
Quanh quanh đèo chật trùng trùng núi cao
Núi hỡi, từ đây băng xuống đó
Chừng bao nhiêu dặm, mấy đêm trường?"
(Tiếng hát đi đày - Tố Hữu)
Dulichgo
Ngọc Linh là xã xa xôi và khó khăn nhất trong địa bàn huyện Đăk Glei, có 17 bản làng ở lưng chừng ôm lấy dãy Ngọc Linh. Ngay ở cạnh UBND xã mà phong cảnh còn hoang sơ và êm đềm, bao xung quanh cánh đồng lúa nương bát ngát đang thời kì ngả vàng và những mái nhà thưa thớt, ẩn hiện trong nắng chiều. Gửi xe tại trường Tiểu học Ngọc Linh, từ đây đoạn đường mà chúng tôi chinh phục chỉ có thể dựa vào đôi chân mình mà thôi. Đã có liên lạc trước nên đoàn chúng tôi được một cán bộ dẫn đến làng Long Năng mới, để sáng mai khởi hành sớm.
Đoạn đường chỉ dài khoảng 3km phong cảnh rất đẹp, có một vài đoạn khúc khủy, chỉ toàn đá nhọn xếp chồng, chưa có dốc dựng đứng nhưng cũng báo hiệu sự khó khăn sắp tới. Muốn leo Ngọc Linh, chúng tôi phải đi qua Long Năng - ngôi làng duy nhất có những người dân nắm tương đối kiến thức về việc leo Ngọc Linh.
Dừng chân ở làng Long Năng mới vào lúc 5g chiều, sương đã xuống rất thấp, bao phủ những ngôi nhà gỗ nâu trầm, nhuốm mầu thời gian. Cái lạnh ùa đến rất nhanh trong căn nhà nhỏ của A Mát – người mà chúng tôi thuê để dẫn đường lên núi. Uống chút rượu nếp, sưởi tay bên bếp lửa, A Mát dặn dò chúng tôi kiểm tra lại đồ đạc, gói ghém cho đơn giản nhất. Bên bếp lửa ấm áp, tôi được nghe ông A Bao – cha của A Mát kể chuyện về cây thuốc “giấu” – niềm tự hào của người dân nơi đây.
Từ ngàn đời nay, người Xê Đăng dưới chân núi Ngọc Linh đã truyền nhau một loại dược liệu chữa được rất nhiều bệnh, còn bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng, giúp người ta chống chọi với khí hậu lạnh giá.
Dulichgo
Trong những chuyến đi rừng kéo dài nhiều ngày, người ta nhất định phải đem theo cây “thuốc giấu” này, để bảo vệ sức khỏe và giống như niềm tin về sự hộ thân. Chẳng ai biết cây "thuốc giấu" có từ khi nào và đến từ đâu, bí mật về cây "thuốc giấu" luôn được người Xê Đăng bảo vệ, trân trọng như báu vật mà thần núi, thần rừng đã ban tặng cho người dân. Bí mật ấy vẫn được giữ gìn bảo vệ và chỉ được lưu truyền trong cộng đồng người Xê Đăng cho đến kháng chiến chống Pháp.
Thương những người cán bộ hoạt động nơi đây không quen với rừng thiêng nước độc, bị những cơn đau hành hạ, các già làng đã chỉ cho họ phương thuốc bí truyền của dân tộc mình. Những cán bộ đã sử dụng như một loại thuốc cầm máu, làm lành vết thương, làm thuốc bổ, chữa sốt rét, đau bụng, phù thũng…
Nhờ tác dụng vượt trội, cây “thuốc giấu” đã được cán bộ lưu ý, ghi nhớ và đến năm 1970, đoàn công tác do dược sỹ Đào Kim Long dẫn đầu đã tìm thấy đó chính là sâm trên đỉnh núi Ngọc Linh. Sở dĩ cây sâm còn có tên là “Ngải rơm con” vì hình dạng của phần rễ có đốt giống như “Con Rơm” và có liên quan đến truyền thuyết “Ngậm ngải tìm trầm”.
Trời về khuya, không khí tĩnh mịch, gió lạnh buốt thấm vào da thịt, càng khiến những câu chuyện về Ngọc Linh thêm phần huyền bí, cuốn hút, khiến chúng tôi càng háo hức muốn thực hiện hành trình chinh phục ngọn núi linh thiêng, sâu trong đại ngàn bí ẩn của mảnh đất Bắc Tây Nguyên.
Khám phá Ngọc Linh huyền bí
6 giờ sáng chúng tôi thức giấc, trời vẫn còn tối, nhìn đồ đạc trong căn nhà gỗ vẫn còn lờ mờ, A Mát lại lui cui nhóm bếp sưởi ấm. Có chút ánh lửa, căn nhà nhỏ bỗng trở nên ấm áp, chúng tôi nhanh chóng ăn tạm bữa sáng bằng mì tôm mang theo, rồi kiểm tra lại ba lô để đảm bảo các vật dụng được chuẩn bị đầy đủ.
Hơn 7 giờ, chúng tôi bắt đầu rời ngôi nhà nhỏ của A Mát. Bên ngoài bốn phía rừng núi, những căn nhà nhỏ, thưa thớt chìm đắm trong màn sương mờ ảo, chưa thấy ánh mặt trời le lói.
Ngoài A Mát, chúng tôi còn thuê thêm A Nhiêu và A Bao - 2 người dân làng Long Năng mới đi theo dẫn đường và mang vác đỡ một phần đồ đạc. Đi cùng với những người có kinh nghiệm đi rừng nên chúng tôi khá yên tâm, nhưng trước đó cũng phải có lời hứa sẽ tuân thủ đầy đủ các quy tắc leo núi mà cha của A Mát đã dặn dò. A Mát rất hay nói cười, mới 30 tuổi thôi nhưng thâm niên đi rừng phải trên 20 năm rồi. A Mát kể nhiều người từ xa đến với quyết tâm ngùn ngụt, nhưng có khi chỉ dừng lại ở làng Long Năng cũ, hoặc đi đến lưng chừng núi là quay về, bởi những đoạn dốc dựng đứng, chầu chực nhiều nguy hiểm. A Nhiêu và A Bia thì ít nói nhưng có nụ cười hiền lành, trò chuyện với nhau chủ yếu bằng tiếng Xê Đăng nhưng thỉng thoảng cũng nói với chúng tôi bằng tiếng Kinh, tuy giọng còn hơi ngọng nghịu.
Dulichgo
Chúng tôi men theo sườn núi, băng qua những nương lúa bậc thang tuyệt đẹp. Mùa này, lúa bắt đầu ngả vàng, mặt trời dần lên càng khiến cái màu vàng của lúa tươi tắn trong màu xanh núi rừng, những cơn gió nhẹ đưa đẩy bông lúa trĩu xuống, tạo nên bức tranh thanh bình, yên ả. A Mát bảo người Xê Đăng rất trân trọng hạt lúa trên nương, xem đó là một phần của cải thiêng liêng, yêu quý chứ không đơn thuần là lương thực hàng năm. Qua những ngọn đồi, nương lúa, chúng tôi tiến theo con đường mòn lên làng Long Năng cũ, đường không còn bằng phẳng mà đã bắt đầu xuất hiện những khúc cua đột ngột, đá nhọn dựng đứng.
Mất hơn 1 giờ đi bộ, chúng tôi mới đến nơi, từ làng Long Năng cũ, nhìn thẳng lên có thể thấy ba đỉnh núi cao vút, liên tiếp nhau, đó chính là Ngọc Ngưa, Ngọc Tâng, và xa nhất là Ngọc Linh. Nhìn phía trước, chúng tôi tưởng việc chinh phục đỉnh Ngọc Linh chỉ một quãng đường nữa thôi nhưng A Nhiêu bảo đường còn xa, khó khăn lắm đấy. Từ làng Long Năng cũ đi thêm một đoạn thì đến sườn núi La Xó, từ đây mới thực sự quá trình leo núi gian nan, mới bước hẳn chân vào việc chinh phục ngọn núi linh thiêng.
Con đường mòn dần hẹp lại, cây cối đan xen, chằng chịt nhiều hơn, A Mát phải đi trước phạt cây, dẫn đường. Càng đi sâu vào rừng càng rậm rạp, âm u, nhiều cây cổ thụ cao típ tắp, rồi rêu bám xanh kịt cả thân cây, gốc rễ, trơn trượt. Dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp rất nhiều hoa lan rừng, cheo leo trên những thân cây cổ thụ, có loài hoa tím cánh nhọn hoắt, có loài hoa trắng mơ màng, lại có loài pha màu tía với đen, nhìn rất lạ,… Cô bé trong đoàn cứ xuýt xoa, trầm trồ trước những cánh hoa rừng mang vẻ đẹp hoang sơ này, đứng lại ngắm say mê rồi lách tách máy ảnh để lưu giữ khoảnh khắc này. Nhưng không ai có ý định hái hoa mang về, bởi trước đó đã có lời hứa không đụng đến những vật của rừng, hãy cứ để chúng trong tự nhiên, khoe sắc cùng trời đất.
Đường càng lúc càng dốc cao đột ngột, nhiều đoạn trơn trượt, có đoạn bị chắn bởi cây to ngã xuống, buộc chúng tôi phải đi đường vòng để tránh cây. Lên đến độ cao 1200m thì chúng tôi bắt gặp con thác khá cao, nước tung trắng xóa, bồng bềnh, xung quanh cây cối xanh mướt, đẹp như trong truyện cổ tích. Cả đoàn đứng ngẩn ngơ nhìn và anh Nông Ngọc Linh – trưởng đoàn quyết định dừng chân nghỉ ngơi ở đây một lát, ăn tạm buổi trưa. Chúng tôi loanh quoanh bên thác nước, cứ tự hỏi sao lại có vẻ đẹp thần tiên thế này, thật bõ công lặn lội đường xa tới đây. Ở giữa đại ngàn, cây cối thác nước hùng vĩ, bốn bề mênh mông cây cối, mới thấy con người ta sao nhỏ bé và mong manh làm sao. Những chàng trai dẫn đường thì lại tỏ ra hờ hững, bởi những cảnh đẹp đường rừng đã trở nên quá quen thuộc với họ, A Nhiêu còn bảo, ngọn thác này cũng bình thường thôi, xuyên qua ngọn Ngọc Ngưa, Ngọc Tâng vẫn còn nhiều thác cao hơn, tung trắng xóa cơ.
Nghỉ trưa một chút, rồi A Nhiêu giục chúng tôi vội vã lên đường, kẻo đường rừng trời mau tối. Lần này, quãng đường đã trở nên khó khăn hơn gấp nhiều lần bởi càng lên cao, không khí càng loãng, khiến tôi dần có cảm giác khó thở. Vừa đi vừa thở gấp, chúng tôi vừa đi vừa thở dốc nhưng không dám dừng lại lâu vì sợ trời nhanh tối, còn những người thường xuyên đi rừng như A Nhiêu, A Bao thì chỉ yên lặng, tiến thẳng lên phía trước. Sau gần một ngày leo núi, cả đoàn đã thấm mệt, ánh mặt trời cũng đã nghiên về phía đông nhiều.
Dulichgo
Đến tầm 3g chiều, A Mát bảo chúng tôi dừng chân tại một điểm tương đối bằng phẳng, nhìn trên máy GPRS đã là độ cao hơn 2060 m rồi. Chúng tôi nhanh chóng quây bạt, dựng lán, nhóm bếp lửa để chuẩn bị cho bữa tối đơn giản. Những ngày trước đó vừa có trận mưa lớn, thành ra cả đoàn phải hì hụi nhóm bằng xà nu mãi thì bếp mới nhen nhóm lên được. Bóng tối nhập nhoạng đến, cái lạnh ùa về thì chúng tôi bắt đầu cho thêm củi để bếp lửa bùng lên. Bóng tối nhanh chóng bao phủ cả cánh rừng, đen đặc như màu cà phê. Những chàng trai người Xê Đăng đã theo cha đi rừng từ cái tuổi lên mười nên cũng quen với việc ngủ lại trong rừng, cuộn người trong chiếc chăn mỏng bằng vỏ cây, có vẻ rất dễ chịu. Còn chúng tôi cũng mệt sau một ngày leo núi, cái lạnh của núi rừng, nên giấc ngủ đến dễ dàng và ngon lành. Mãi đến gần sáng, bếp lửa tắt và sương xuống dày đặc, tôi mới tỉnh giấc.
Sáng sớm, chúng tôi bắt đầu ngược dốc tiếp tục lên đỉnh, nghe A Mát nói chỉ còn một đoạn nữa nên ai nấy đều cảm thấy háo hức, bước chân vội vã, mạnh mẽ hơn. Nhưng càng lên cao, đường càng thêm dốc đứng, vách đá cheo leo, chúng tôi phải bám từng miếng đá nhỏ xíu, cẩn thận theo dấu người đi trước. Có đoạn gần như đu mình trên các vách đá, bàn tay đã lót găng dày rồi mà vẫn như trầy xước muốn bật máu. Cuối cùng, khi gần đến trưa chúng tôi mới lên đến đỉnh Ngọc Linh, nhìn máy GPRS đã chỉ độ cao 2.605 m, một cảm giác sung sướng, hân hoan tràn về, cuối cùng thì chúng tôi cũng thực hiện được ước mơ của mình: đặt chân lên ngọn núi cao thứ 2 tại Việt Nam - ngọn núi của những huyền thoại.
Trước đây, tôi đã nghe nhiều người kể rằng ở trên đỉnh Ngọc Linh, máy GPRS không hoạt động đâu, nên chỉ có thể ước lượng độ cao thôi, thế nhưng tận tay chúng tôi, chiếc máy GPRS vẫn hoạt động tốt. Rồi truyền thuyết về người rừng, rất hay tấn công người đến đây, đã dấy lên nỗi sợ hãi mơ hồ nay cũng không hiện hữu nữa.
Trái với tưởng tượng của tôi, nghĩ rằng trên đỉnh ngọn núi huyền thoại này sẽ có không khí u ám, hoang vu lạnh lẽo, cây cối mang một màu ảm đạm, đáng sợ. Thế nhưng trên đây lại là một khoảng đất rộng, lưa thưa vài cây thông, ánh sáng ngập tràn. ở dưới một gốc cây, là một chiếc chai nhỏ, có mấy mẩu giấy nho nhỏ ghi tên tuổi từng đoàn người đã đặt chân lên đây. Tôi nhẩm đọc thấy đoàn đầu tiên là năm 2010, đoàn thứ hai là năm 2011và chúng tôi chính là đoàn thứ 3 ngày 5/9/2013, đã chinh phục được ngọn núi linh thiêng trong ngày.
Dulichgo
Trên đỉnh núi, ánh mặt trời ngập tràn, gió không mạnh nhưng vẫn có chút se lạnh, cảm giác hân hoan khi đứng trên nóc nhà của Tây Nguyên hùng vĩ, ôm trọn cả đất trời trong hai tay mới thấy con người thật nhỏ bé nhưng quyết tâm thì cao thì làm việc gì cũng đạt được. Tôi leo lên một cây thông giữa đỉnh Ngọc Linh huyền thoại, phóng tầm mắt nhìn về những ngọn núi khác, nhưng tuyệt nhiên không thể thấy được những ngôi làng dưới núi, bởi tầng tầng lớp lớp là mây trắng xóa. Cái cảm giác chinh phục được ngọn núi huyền thoại cứ lâng lâng trong lòng.
Nguồn:dulichtafi.blogspot.com
Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017
Khám phá Ngọc Linh huyền bí
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét