Làng gốm Nhạn Tháp (Bình Định) - Du lịch Tafi Tour

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Làng gốm Nhạn Tháp (Bình Định)

(BBĐ) - Không biết tự bao giờ, có lẽ ngay khi hình thành vùng đất võ, người dân Nhạn Tháp đã biết dùng đất sét làm gốm. Làng gốm lâu đời này góp phần tô điểm cho vẻ đẹp chân quê và dân dã nơi đây.

Làng gốm Nhạn Tháp nằm về phía đông dưới chân núi Long Cốt thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn. Nghề làm gốm ở đây có ít nhất cũng dăm sáu trăm năm.

Hiện nay Nhạn Tháp có khoảng gần 70 gia đình làm nghề gốm, tập trung ở xóm Trong và xóm Mới. Đất làm gốm là đất sét trắng ngà không lẫn sạn mà chỉ vùng này mới có.

Người ta đào đất về ủ cho khô nỏ rồi đánh tơi, đổ nước ngào hàng chục lần cho thật nhuyễn mới nặn. Có thứ hàng tròn như lọ, ấm, nồi … thì cho lên bàn xoay. Có thứ nặn vo như con heo bùng binh của trẻ nhỏ, bếp lò v.v…

Làm nghề mãi, bàn tay đã có cỡ, tinh xảo dần, điêu luyện dần nên người thợ không cần thước đo hay khuôn mẫu, những đồ vật họ nặn ra khá đều nhau, không bị to nhỏ hay mỏng dày quá cách biệt. Nặn xong, sản phẩm được phơi khô vài ba ngày mới đưa vào lò nung.
Dulichgo
Nặn những thứ có quai, có vòi thì phức tạp hơn. Phải nặn, phơi hai lần mới đưa vào lò. Chất đốt lò chủ yếu bằng củi, nhưng nhất thiết phải đốt kèm cây chành rành hoặc lá tràm khô mới cho ngọn lửa xanh để hàng gốm lên màu đẹp. Những người không làm gốm thì lên núi, xa vài chục cây số như núi An Trường (huyện Tây Sơn), đèo Cù Mông (Quy Nhơn) hoặc ra Cát Sơn (Phù Cát) lấy loại cây này về bán cho các chủ lò.

Gốm Nhạn Tháp có đủ loại: chum, vò, ang, chậu, thạp, bộng giếng, ống cống, ấm, nồi… to nhỏ khác nhau. Lại có cả đồ chơi trẻ em bé xíu như heo đất, bếp lò, nồi, ấm cho các bé chơi đồ hàng. Nhưng làm nhiều, bán chạy hơn cả là các loại chậu hoa cảnh và bếp lò than.
Dulichgo
Gốm Nhạn Tháp hình thành trên cơ sở kế thừa truyền thống sản xuất gốm của người ChămPa thuở trước. Bao đời nay sản phẩm của làng nghề vẫn mang vẻ đẹp thâm trầm, đỏ nâu của gạch tháp chứ không hề tráng men như gốm mỹ nghệ.

Gần đây, qua một số lần khai quật khảo cổ khu vực thành hoàng đế cũng như những lúc đào đất sản xuất quanh vùng, người ta nhiều lần phát hiện những phế tích là sản phẩm gốm cổ chămpa gần giống sản phẩn gốm Nhạn Tháp bây giờ.

Làm nghề gốm tuy không giàu nhưng sống được. Mặc dù hàng sứ, hàng nhựa ngày càng phát triển, hàng gốm Nhạn Tháp không "chết" vì nó vừa rẻ vừa bền lại giữ được nét đẹp của dân tộc. Không biết làng gốm này có phải là sự tiếp nối những di chỉ gốm cổ Chàm ở quanh đó không, như ở Gò Sành (xã Nhơn Hòa), Gò Cây Me (xã Nhơn Mỹ) cùng huyện và những tháp Chàm gần đấy?
Dulichgo
Làng nghề có đền thờ tổ nghề ở xóm Trong. Đền có đôi câu đối nói về nghề:
Sáng nghiệp Đồ Thành thiên thu tại
Nghệ truyền tinh xảo vạn cổ tồn
(Tạm dịch: Đồ Bàn khai nghiệp nghìn năm trước/ Nghề tinh truyền lại đến muôn sau).

Nguồn:dulichtafi.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đóng