Nằm cách trung tâm huyện Văn Bàn khoảng 20 cây số, Liêm Phú từ lâu đã được biết đến với địa danh thác Bay.
Những câu chuyện được thêu dệt từ bao đời nay về thác nước có cái tên giản đơn mà khó giải thích khiến chúng tôi càng háo hức khi quyết định khám phá nơi này.
Đặt chân đến thị trấn Khánh Yên của huyện Văn Bàn, bắt gặp ngay cái tên Thác Bay trên tấm biển quảng cáo của nhà hàng Thác Bay, có lẽ mọi người đã rất tò mò với cái tên này.
Con đường mòn dẫn từ Nhà máy Thủy điện Phú Mậu lên thác Bay có thể khiến ai đó nản lòng nếu chờ đợi một chuyến đi êm ả. Thác Bay nằm ở cuối con đường Cùng - ngọn nguồn của xã Liêm Phú của hai bản người Dao (Phú Mậu và Lâm Sinh).
Dulichgo
Theo chân những người dân địa phương, chúng tôi ngược dốc trên cung đường gần nhưng cũng hiểm trở nhất. Đi hết đoạn đường đất, đặt chân đến đập tràn ngăn nước của hồ thủy điện Tân An. Để lên được Thác Bay, có thể đi bằng hai con đường, từ đập tràn leo theo những phiến đá dọc suối để lên và cũng có thể đi bằng con đường rừng (khoảng 500m) là tới tận chân thác.
Tiếng nước, tiếng thác lúc xa, lúc gần ầm ì bên tai trong suốt chặng leo núi, nhưng cũng phải mất hơn 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới thấy thác nước trắng xóa hiện ra trước mắt.
Từ trên cao, dòng nước đổ xuống như dải lụa ở lưng trời. Dòng nước dội xuống va vào vách đá tạo thành bụi nước và lớp sương mù mờ ảo càng làm cho khung cảnh thêm thơ mộng. Ngâm mình trong dòng nước mát lạnh, nhắm mắt để cảm nhận âm thanh của núi rừng, chúng tôi như cảm thấy mọi mệt nhọc dần tan biến.
Dulichgo
Đứng dưới chân thác ngẩng lên quan sát thấy dòng thác trắng xóa đổ từ trên đỉnh núi xuống như một dải lụa trắng vắt xuống giữa trời xanh.
Nước đổ xuống, luồn lách dưới những phiến đá khổng lồ chảy xuống tạo ra những âm thanh kỳ lạ. Những giọt nước nhỏ xíu bay lên như những lớp sương tạt vào mặt tạo cảm giác mát lạnh.
Đặt chân đến đây, du khách không chỉ được ngắm thác mà còn được tắm để hưởng cái mát lành của nước, của không khí, được ngắm những cánh rừng bất tận của xã Liêm Phú với đủ thứ gỗ quý nào là pơ mu, táu, bồ đề, mỡ... Nếu như chưa từng đến đây, du khách sẽ rất tò mò với tên gọi Thác Bay, nhưng đến đây rồi du khách lại nấn ná không muốn rời bước bởi sự hấp dẫn không chỉ ở vẻ đẹp mà cả những âm thanh tự nhiên phát ra từ suối, từ rừng xanh. Thác Bay của Liêm Phú đáng để du khách lưu luyến.
Bao quanh khu vực thác Bay là rừng nguyên sinh Liêm Phú thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, nơi được đánh giá đa dạng về thành phần loài và đặc trưng cho hệ động thực vật Tây Bắc, điển hình là các loài thực vật quý hiếm như pơ mu, thông làng, sến, giổi găng…
Dulichgo
Theo tài liệu của Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, tại đây đã phát hiện hàng trăm loài động vật và hàng nghìn loài thực vật, trong đó có nhiều loài lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam. Anh Hoàng Văn Hơn, Chủ tịch UBND xã Liêm Phú cho biết, nhận thức giữ rừng là giữ nguồn nước, giữ cho dòng thác trường tồn, người dân địa phương luôn tự giác không xâm phạm khu rừng quý giá.
Tiếp tục hành trình khám phá Liêm Phú, chúng tôi còn bị hút hồn bởi khung cảnh yên bình của làng quê nơi đây, với cánh đồng thẳng cánh cò bay, mái nhà sàn nép mình bên đồi cọ. Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, những con đường bê tông len lỏi khắp thôn, bản, ngõ xóm. Người dân thân thiện, mến khách sẵn sàng mời bạn vào nhà thưởng thức những món ăn ngon với hương vị chẳng lẫn nơi nào, như món cá suối nướng, măng rừng…
Dulichgo
Và trong câu chuyện của mình, Chủ tịch UBND xã Liêm Phú Hoàng Văn Hơn chia sẻ rằng, bà con địa phương từ lâu đã mong muốn tỉnh, huyện tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp đầu tư “đánh thức” tiềm năng du lịch nơi đây.
Nguồn:dulichtafi.blogspot.com
Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017
Lưu luyến thác Bay - Liêm Phú
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét