(IVV) - Miền Tây có gì đâu mà đi! Tôi nói thiệt, chán òm, đừng đi nếu bạn đang có ý định du lịch. Nhưng nếu muốn tìm cái tình cái nghĩa, cái sự không tính toán thiệt hơn, cái yên bình đến buồn muốn khóc thì cứ xách xe về miền Tây hen!
Quê nội tôi ở Cao Lãnh, Đồng Tháp. Nằm ở vùng trung tâm của miền Tây Nam Bộ nên đợt rồi hạn hán, nước sông bị nhiễm mặn hết 12 tỉnh thành, riêng mỗi quê tôi là không hề hấn gì. Bây giờ về miền Tây khoẻ re. Đường nhựa thẳng băng cứ 70, 80 cây số trên giờ mà chạy. Xui rủi sao trúng công an bắn tốc độ hay em chó nào băng qua đường mà không sủa báo trước thì coi như “hẻo”.
Nói vậy chứ về miền Tây thì chẳng có gì phải gấp gáp, dù không có những con đèo hùng vĩ hay những con đường ven biển để chứng tỏ tay lái lụa nhưng hầu như ai cũng tà tà. Ngắm sông ngắm ruộng ngắm trâu bò cũng thấy vui.
Nhắc tới quê nội là nhớ tới cái thời hồi một ngàn chín trăm hồi đó. Thời mà miền Tây vẫn còn được định nghĩa là cái “hóc bò tó” nào đó xa ngút ngàn. Đi “quài quài” mà không thấy tới nơi. Lúc đó cứ mỗi lần về giỗ bà cố hay về quê ăn tết là y như cực hình từ lúc ra bến xe Miền Tây. Toàn người với người, xe với xe. Lúc đó tưởng như nếu ba mẹ mà lơ tay tôi một chút thôi là tôi bơ vơ lạc lõng giữa dòng đời luôn.
Mà cơn ác mộng chỉ thực sự bắt đầu khi tôi yên vị trên chiếc xe đò tuổi thơ không máy lạnh. Ba mẹ luôn nhường chỗ ngồi sát cửa sổ vì kiểu gì nếu không ói trên xe thì tôi cũng thò đầu ra ngoài mà trút hết ruột gan. Tới nơi vẫn phải cho “chó ăn chè” thêm vài đợt nữa cho sạch ruột luôn thể. Tưởng đâu kết thúc, ai dè từ con đường quốc lộ lội bộ vào nhà nội chỉ khoảng 1 cây số nhưng bắt ếch chắc đâu cũng chục lần có. Về trúng mùa mưa tháng 7 âm, đường lầy tới nỗi đầu chỉ cắm xuống đất nhìn đường, mười đầu ngón chân bấu vào sình để khỏi bị trơn. Nhớ lúc đó điệu điệu mà mang giày là y như rằng đi về quăng luôn đôi giày.
Cơn ác mộng thứ hai chính là khi hoàng hôn buông xuống. Chẳng hiểu sao ở miền Tây trời tối cực nhanh. Sài Gòn 6 giờ chiều trời còn sáng bửng chứ miền Tây là bắt đầu đốt đèn dầu nghe ếch kêu rồi đó.
Chắc chỉ có người miền Tây mới hiểu, đặc sản xứ này không phải thứ gì xa lạ. Đó là “500 anh em muỗi” vô cùng đáng sợ. Ta nói ngồi trước hiên nhà mà không đốt nhang muỗi là y như rằng ngồi đập muỗi y như vỗ tay cổ vũ ca sĩ thần tượng không ngớt. Muốn xỉu. Lần nào về quê lên lại cũng bệnh một trận đã đời nên giờ nhớ lại những ngày đó vẫn còn rùng mình.
Kể thì kể cho vui vậy chứ công bằng mà nói miền Tây vẫn mang đến cho tôi những ngày tuổi thơ dữ dội lắm. Đó là khi trốn ông bà nội chạy ra đồng lúa sau nhà nằm hóng gió đến khi ngủ lúc nào không hay.
Dulichgo
Là khi ông anh họ dẫn đi bắt cua ngoài đồng, cua thì chưa bắt được mà bị nó kẹp chảy máu tay, khóc muốn sưng mắt. Hay là những khi ba cắt thân chuối thành chiếc phao để tôi ôm cho khỏi chìm lúc còn mới học bơi trên con sông trước nhà. Thêm mấy lúc ôm thúng dê lót tót theo bác Hai ra sau vườn hái chanh, hái xoài mệt nghỉ.
Hồi xưa, cái thời mà chưa bị cấm đốt pháo bông, tôi chỉ mong đến tết để được về nội đốt pháo. Là pháo bông bắn lên trời xoè ra đủ màu sắc hẳn hoi luôn, chứ không phải mấy loại pháo sáng hay pháo bông mini cầm tay như bây giờ đâu nha.
Một cây bắn được năm sáu phát gì đó, không cao, nhưng tiếng nổ lúc pháo phụt ra và cả lúc những tia pháo nhiều màu hiện ra cũng đủ làm một thằng nhóc như tôi phấn khích dữ lắm. Giờ thì không còn, Sài Gòn năm rồi cũng chẳng bắn pháo bông ăn tết, nên tôi chắc chắn những ai đời đầu 9x trở đi như tôi hẳn ít nhiều sẽ tiếc nuối về tết của ngày xưa.Dulichgo
Giờ ngồi mà nói chuyện ngày xưa chắc có tới mai cũng chưa hết chuyện. Chuyện cái cầu cá phía trên nuôi cá tra phía dưới, cứ mỗi lần “cái ấy” rơi bủm xuống là tưởng tượng mình mà lọt giống vậy chắc bị rỉa mất xác; chuyện ngồi ghe đi chợ vui như trong phim Hương Phù Sa, tiếng động cơ nổ lạch bạch nghe vui tai sao sao, cứ mong có ghe lớn đi qua để tận hưởng cảm giác chòng chành trên sông nước; chuyện tết Trung Thu cầm lồng đèn đi khắp xóm xin bánh xin kẹo, tụm lại đốt đèn cầy chán quay qua đốt luôn lồng đèn, ngồi kể chuyện ma đứa nào cũng sợ mà vẫn chăm chú nghe; chuyện ba giờ sáng giật mình dậy thấy cả nhà đã ngồi gói bánh tét, vặt lông gà rộn ràng chuẩn bị cúng đám giỗ từ lúc nào; chuyện cố gắng hái cái bông lục bình tím đến nỗi té mương đập mặt xuống sình mà cười ha hả; chuyện lần đầu tiên ăn chuột đồng khìa nước dừa mà cả nhà ai cũng bảo “ăn đi con, thịt thỏ nội mới mua ngon lắm”…
Còn nhiều lắm mà mỏi tay quá không viết ra hết nên thôi giữ lại trong lòng một ít. Nhưng bao giờ cũng vậy, cứ nhắc tới tuổi thơ một thời trẻ trâu, không ai mà không khỏi chép miệng hai chữ “giá như…”.
Đường về nhà nội giờ đã được rút ngắn lại chỉ còn hai tiếng rưỡi, đường đổ bê tông thẳng tắp xe hơi chạy vào tới tận nhà. Cái cầu cá bây giờ đã được thay bằng nhà vệ sinh sạch sẽ. Ông bà nội giờ một người mình ên đi ra đi vào, còn một người đã nằm yên nghỉ dưới ba tấc đất sau nhà. 500 anh em chiến hữu đứa thì có gia đình, đứa thì đi xa làm việc. Giờ về nội, con sông trước nhà vẫn chảy, khóm tre vẫn xào xạc khi gió thổi qua mà sao thấy buồn thúi ruột. Vẫn biết quy luật của cuộc sống là luôn phát triển vậy mà bản thân vẫn cứ hoài tiếc nuối về những điều đã qua. Nên là có về thì chỉ thấy kỷ niệm, không về coi vậy mà tốt hơn.Dulichgo
Miền Tây bây giờ nhiều khu du lịch sinh thái mọc lên như nấm sau mưa, người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch. Người ta về miền Tây đi trên cao tốc 120 cây số chứ chẳng ai tà tà qua phà ngắm sông ngắm lúa như ngày xưa. Khách du lịch đến miền Tây trải nghiệm chèo xuồng, bắt cá, hái trái cây, đi chợ nổi, nghe đờn ca tài tử… nhiều vậy nhưng chắc gì đã biết để có được hạt gạo phải trồng thế nào, chắc gì đã thuộc nằm lòng bài Dạ Cổ Hoài Lang, chắc gì biết khi nào thì nước ròng, nước lớn, chắc gì đã hiểu hết giá trị lâu đời của những ngôi nhà cổ miền Tây chỉ với 10.000 đồng một lượt vào.
Bạn có biết vì sao người ta thường bảo “đi Vũng Tàu, đi Nha Trang, đi Đà Lạt” nhưng lại rủ nhau “về miền Tây” không? Đơn giản là vì dù ở bất cứ nơi nào, khi đến với miền Tây cũng sẽ được chào đón như người thân trong nhà. Không cần biết bạn tốt xấu thế nào, người miền Tây luôn mang cái tình hiếu khách ra để tiếp đón những người mới đến. Tôi với đám bạn có lần đi rừng tràm Tân Lập, trên đường có ghé một chiếc cầu nhỏ để chụp hình sống ảo thì tình cờ gặp cô Tư nhà gần đó mới đi chợ về. Thấy đám loi nhoi này cô hỏi mấy đứa đi chơi hả, vô nhà cô ăn cơm cho vui. Hay có lần dịp Tết về quê thằng bạn, hỏi đường ngay nhà đang có mấy chú mấy anh đang nhậu, xông vô hỏi đường thì bị bắt: “bây vô đây nhậu đi rồi lát tao chỉ đường cho đi”. Chưng hửng luôn.
Có lẽ một phần lý do khiến tôi yêu mến Sài Gòn là vì đây là nơi của nhiều người miền Tây sinh sống lập nghiệp. Họ mang cái sự nhiệt tình thiệt thà ở miền quê đó mà bươn chải với sự bon chen của thành thị. Ra đường mà thấy giọng ai sang sảng là biết ngay người gốc miền Tây. Cái cách họ cho đi mà không cần nhận lại đã khiến nhiều người phải lòng ngày từ lần đầu tiếp xúc. Tôi tự hào cái là có nhiều bạn ở miền Tây, nên lần nào về chơi cũng được tiếp đón tới tận răng.
Về miền Tây thì đâu cũng là nhà, quan trọng là mình mở lòng, thật thà là được.Miền Tây có gì đâu mà đi! Tôi nói thiệt, chán òm, đừng đi nếu bạn đang có ý định du lịch. Nhưng nếu muốn tìm cái tình cái nghĩa, cái sự không tính toán thiệt hơn, cái yên bình đến buồn muốn khóc thì cứ xách xe về miền Tây hen!
Tôi xin phép mượn mấy câu của tác giả Vũ Đức Sao Biển trong bài hát “Về đi người ơi” – nhạc phim “Cải ơi” – mà lần nào tôi coi cũng khóc quá trời quá đất để làm cái kết cho mấy dòng suy nghĩ vẩn vơ này.
Dulichgo
“… Người ơi! Tiếng hát lênh đênh tìm kiếm nhau tìm kiếm nhau đã bao năm rồi
Biển đời mênh mông ngàn sóng xô người về đâu trên đất phương Nam
Và tiếng tôi ca từng ước mơ từng ước mơ có đôi nên bạn
Thương hoài ngàn năm mối chân tình tôi gởi về cho người tình chung
Tiếng ca này như tiếng gọi nước dòng Cửu Long
Về đi! Gót chân phiêu bạt, để nghe tim mình nghe tim mình mãi muôn đời ta có đôi
Tiếng ca này xin gởi trọn tâm tình về nhau…”
Nguồn:dulichtafi.blogspot.com
Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét