Tháng 4 tại “rừng nổi” Trà Sư - Du lịch Tafi Tour

Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

Tháng 4 tại “rừng nổi” Trà Sư

(BCT) - Không phải là duy nhất ở miền Tây nhưng "rừng nổi" Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang) là lựa chọn của nhiều người yêu thích thiên nhiên. Lướt vun vút trên vỏ lãi dọc bờ kênh, chầm chậm trôi qua trảng sen hay lướt nhẹ trên đám bèo xanh mướt như trải thảm, du khách thư thả trải nghiệm đời sống miền sông nước dưới tán rừng mát rượi như ru giữa trưa hè…

Rừng tràm Trà Sư ở vùng Bảy Núi- An Giang không phải là điểm mới nhưng luôn hấp dẫn du khách, trong đó, có đông khách nước ngoài. Trà Sư có tên "rừng nổi" bởi khi con nước trắng đồng, vạt rừng chừng 850ha này như hòn đảo xanh mênh mang nổi lênh đênh trên mặt nước. Thời điểm này là cao điểm của mùa hạn nhưng nước trong rừng vẫn giữ ở mực cao, xuồng ghe vẫn lưu thông thoải mái.

Tháng tư, cái oi bức đến khó chịu của đầu hè như bị xua tan khi vừa bước chân vào cửa rừng. Những cây tràm chục năm tuổi mọc thành luống "nổi" lên mặt nước xanh rờn. Bên dưới là cá trú ngụ, bên trên là chim cò làm tổ, sinh sôi nẩy nở.
Dulichgo
Khách được đưa vỏ lãi từ cửa rừng xuyên qua vùng đệm. Vỏ máy xé nước lao vun vút. Rẽ vào trảng sen, tiếng động cơ nhỏ lại, vỏ nhè nhẹ lướt qua trước khi vào rừng tràm. Giữa trưa nhưng vẫn có vài con sen, con cò, con vạc mò cá, ốc. Chúng thản nhiên mặc cho dòng người đi qua.

Anh lái đò bảo: "Nếu để tiếng máy lớn quá sẽ làm "tụi nó" giựt mình, mơi mốt không ra ăn nữa thì mất đi vẻ tự nhiên". Không ai bảo ai, khi vỏ vào trảng sen, các anh điều chỉnh tiếng máy nhỏ lại và chầm chậm đi qua. Hết trảng sen, vỏ lại lao vun vút trên con kinh đào thẳng tắp để tiến vào sân chim.
Dulichgo
Sân chim được bao bọc bởi một con đê lớn. Khách rời vỏ lãi rồi chuyển sang xuồng ba lá chèo tay để đi dạo khu vực chim, cò làm tổ. Tiếng dầm khua nhẹ vào nước, rất êm. Gió vi vu mát rượi. Chị chèo xuồng cũng là một hướng dẫn viên, rành rọt từng tấc rừng, tấc nước. Và như thể, chị có thể nhớ được từng tổ chim đong đưa giữa rừng tràm.

Khách đang mải mê với vạt bèo cám xanh mướt phủ kín mặt nước dưới tán rừng mà quên rằng đã vào giữa sân chim rộng lớn. Chị chỉ về bên trái nơi có những con cò lửa lang thang, bên phải với những con cò ma trầm ngâm trên gốc tràm vừa ngã… giới thiệu từng loài một. Chị dừng mái dầm cho ghe trôi theo trớn rồi chỉ về phía trên, nơi hàng trăm tổ cò chen chút trên cành như thể sợ động mạnh làm cò con giật mình rơi xuống nước. Vài nơi, cò con mạnh dạn vỗ cánh chấp chới trên tổ như muốn lao xuống mặt nước để bắt con ốc, con cá như cha mẹ chúng.

Vì để bảo tồn nghiêm ngặt sinh cảnh đa dạng của vùng đất ngập nước nên khách chỉ được dạo một vòng sân chim chừng vài mươi phút và chỉ khám phá được khu vực cò làm tổ, loài chiếm đa số trong số 70 loài chim đang trú ngụ tại đây. Nên các loài cò lạo Ấn Độ, chim điên điển, chim cổ rắn… vốn nằm trong Sách Đỏ có mặt tại đây cũng chỉ được nghe qua hoặc nhìn thấy vài cá thể trong quá trình chúng tìm thức ăn, bởi khách không được vào khu vực chúng làm tổ.

Cá tự nhiên trong rừng tràm cũng chỉ để làm mồi cho chim cò, tạo sự cân bằng và đa dạng sinh thái chứ không được khai thác. Chị chèo ghe bảo, một cây tràm ngã bật gốc, một con cá nhỏ cũng không được mang ra khỏi rừng. Bởi sự nghiêm ngặt này mà lâu nay "rừng nổi" Trà Sư mới giữ được sự bền vững của hệ sinh thái rừng, tạo môi trường thu hút ngày càng nhiều các loài chim về sinh sống.
Dulichgo
Sau chừng nửa giờ "lạc trôi" giữa rừng, khách trở lại bến thuyền tiếp tục hành trình vỏ lãi theo một hướng khác ra bìa rừng ngắm cảnh và thưởng thức ẩm thực gắn với miền sông nước. Tại đây có một tháp canh nhìn toàn cảnh rừng tràm, phía xa là dãy Thất Sơn huyền bí. Kính viễn vọng trên tháp cho phép khách nhìn rõ vật cách đó 25 cây số để chiêm ngưỡng vẻ đẹp Bảy Núi từ trên cao.

Từ Trà Sư, ngược ra khoảng 30 cây số là khu du lịch tâm linh Miếu Bà Chúa Xứ - Núi Sam và hệ thống đình, chùa, lăng mộ gắn với hơn 300 năm lịch sử mở cõi; thêm 7km nữa là đến đô thị nằm đầu nguồn sông Hậu và những làng Chăm nổi tiếng với những Thánh đường trắng; xuôi vào hướng Tây Nam là ngọn núi Cấm vốn là nóc nhà của ĐBSCL với tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á và hồ treo trên núi thơ mộng; xa hơn là chạm vào nền văn hóa Óc Eo - nền văn minh và thương mại lớn biến mất một cách bí ẩn; về hướng Tây non 10km là chợ biên giới sung túc và cửa khẩu được xem là cửa ngõ ASEAN vào Việt Nam.

Nguồn:dulichtafi.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đóng