(BSL) - Xã Tô Múa cách trung tâm huyện Mộc Châu trên 40km đèo dốc quanh co khá đẹp, không chỉ nổi tiếng về chè cổ thụ, mà còn có món chuột đá rán ròn chỉ đãi khách quý.
< Đường vào xứ chè Tô Múa quanh co uốn lượn.
Tô Múa là tên gọi chệch từ câu “tò mua”, tiếng Thái nghĩa là vùng đất trông chờ, vùng đất dễ làm ăn, không phải lo nghĩ nhiều, trồng cây gì, nuôi con gì cũng được ăn. Thời chống Pháp, nơi đây thuộc vùng căn cứ kháng chiến Mộc Hạ.
Gái Mường Tè, chè Tô Múa
Nằm trên độ cao 1.080m so với mực nước biển, Tô Múa hầu như quanh năm sương mù, mây phủ trắng rừng. Với hơn 4.500 nhân khẩu, đồng bào thu nhập chủ yếu từ chè, ngô và dong riềng. Tô Múa có trên 400 ha chè, mỗi năm sản lượng trên 2.100 tấn chè búp tươi. Đặc biệt, ở bản Cho Đáy có gần 4 ha chè cổ thụ.
Dulichgo
Chủ tịch UBND xã Lường Văn Ương, cho biết giống chè cổ thụ này xuất xứ từ Trung Quốc với đặc điểm lá to, búp dày, được những bậc tiền nhân trong bản mang từ Đà Bắc (Hòa Bình) về trồng tới nay đã 5 - 6 đời.
< Giống chè cổ thụ ở Tô Múa.
Mỗi lần thu hoạch, người dân phải bắc thang lên hái lá, có cây cho tới gần 2 cân chè búp tươi trong một lần hái. Thứ chè này sao xong, đem ép vào ống nứa như ống cơm lam để dễ vận chuyển và bảo quản. Mỗi lần pha chỉ cần một đoạn ngắn là có ngay một ấm chè.
Dulichgo
Chè Tô Múa ngon nổi tiếng, mới có câu: Gái Mường Tè, chè Tô Múa, lúa Tú Nang, hàng Song Khủa... Ở đây còn có loại chè “đung đưa”, được hái từ những cây chè cổ, sao qua một lượt, vò xong rồi gác gác bếp. Trong khói bếp có khói từ nhiều cây thuốc vô tình từ bếp bám vào lá chè, và bỗng nhiên chè “đung đưa” trở thành thứ chè thuốc, khi uống có mùi khói. Với nhiều người, chè Tô Múa đã trở thành vần điệu mời chào: “Chưa quen đã mặn lời chào/Chè chưa thấm giọng đã ngào ngạt hương”!
"Tô nụ vại” rán ròn
< Trồng chè là nguồn thu chủ yếu của người dân Tô Múa.
Theo con đường đất đỏ gập ghềnh, chúng tôi tới bản Đá Mài, vào thăm nhà anh Bàn Văn Dầm dân tộc Dao. Tiết trời cuối đông ở đây vẫn lạnh, bên bếp lửa nhìn ra ngoài trời chỉ thấy mây mù che phủ. Nhà anh Dầm làm theo lối truyền thống của người Dao, tuy thấp nhưng vững chãi và ấm cúng.
Chuồng lợn được làm trong núi đá gần nhà nhưng trống trơn. Hóa ra, lợn nái “bận” vào rừng đẻ. Vài hôm nữa, nó sẽ tự dẫn đàn con về chuồng. Có lẽ từ một phần hoang dã của tự nhiên nên có đặc sản “lợn mán Đá Mài”.
Có khách đến nhà, anh Dầm vui lắm. Bữa tối, chủ nhà làm một món món thịt rán giòn, thơm nức mũi kèm lời giới thiệu: “Đặc sản chỉ đãi khách quý”! Hỏi thịt gì, anh cho biết đó là thịt... chuột! Thấy khách ngại ngùng nhìn miếng thịt còn đỏ au, anh Dầm trấn an ngay: “Đây không phải là chuột nhà, chuột cống, mà là loài chuột đá, người Thái gọi là tô nụ vại”!
Dulichgo
Loài chuột này không dám gần người, ăn rễ thảo mộc, quả trên rừng, không phá hoại mùa màng, không đào hang làm tổ mà suốt đời ở trong hang đá, nên có tên chuột đá. Con to nhất nặng khoảng 6 lạng, mỗi lứa chỉ đẻ 2 con trong ổ lót lá cây. Chuột đá rất khôn, đi săn cả đêm may mới kiếm được một, hai con. Gặp ánh đèn, hai mắt chúng đỏ như hai hòn than, không ít lần khiến người ta giật mình tưởng gặp thú dữ.
Còn chúng tôi nhận thấy, tô nụ vại rất ngọt!
Thú vị cách đặt tên đất
Từ đời sống sinh hoạt - lao động, đồng bào ở Tô Múa dựa vào đặc điểm đặt tên cho bản làng, nương rẫy, con đường để dễ phân biệt. Ví dụ, ngày xưa ở một bản có tranh chấp đất đai mới tổ chức vật nhau (tiếng Thái gọi là pắm đáy), ai thắng sẽ được đất. Sau này người dân gọi lái thành bản Cho Đáy. Còn ở bản Pàn có cây lá han, chạm vào là mẩn ngứa nổi hạch lên, đồng bào gọi là Hàng Pàn, là cây như con bọ nẹt, sau gọi tắt là bản Pàn.
Dulichgo
Về nương rẫy có nương mang tên Khắp Khòm: Khắp là nhạc, khòm là mõ gió; sau khi làm nương xong, đồng bào treo những cái mõ để đuổi gấu, khỉ khỏi phá nương. Hay là trên một nương có những hòn đá vỡ tung ra như động đất, đồng bào đặt tên là nương Dàn Tạch (nghĩa là đá vỡ)...
Nguồn:dulichtafi.blogspot.com
Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017
Đến xứ chè Tô Múa chén chuột “tô nụ vại”
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét