Từ huyện Vân Hồ, chúng ta đi qua Chiềng Khoa nổi tiếng với Lễ hội Hoa Ban, danh thắng Thác Nàng, qua Tô Múa sẽ về đến các xã Mường Tè, Quang Minh với các bản người thái bên dòng Sông Đà đẹp như tranh là khu căn cứ Cách Mạng Mộc Hạ.
Mộc Hạ là một vùng đất rộng lớn của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La; thuộc vùng Hạ huyện. Trên bản đồ địa lý tỉnh Sơn La. Mộc Hà là mỏm đất cuối cùng nằm ở phía Đông - Nam của tỉnh. Nằm ở phía Đông - Bắc của huyện Mộc Châu. Mộc Hạ tiếp giáp với huyện Phù Yên. Về phía Bắc tiếp giáp với Mường Lý, Mường Lát huyện Quan Hoá (Thanh Hoá) và Mai Châu (Hoà Bình) ở phía Nam, phía tây của Mộc Hạ là Mộc Thượng. Gianh giới giữa Mộc Hạ và Mộc Thượng là đường 136 chạy từ Vạn Yên (Phù Yên) đến Phiêng Luông ở km 64 đường 41 (đường 6). Mộc Hạ giáp Đà Bắc (Hoà Bình) về phía Đông, ranh giới của hai vùng là sông Đà.
Cảnh vật nơi đây có đầy đủ những đặc trưng của Tây Bắc làm cho chúng ta quên hẳn những mệt nhọc trên chặng đường đi, cũng như những áp lực từ cuộc sống hiện đại. Nhưng theo tôi, chuyến đi bổ ích nhất đó là được nghe những câu chuyện lịch sử về những người con của vùng đất nơi đây.
Dulichgo
Chuyện kể rằng, năm 1947 trong trận càn của thực dân Pháp vào bản To Ngùi, xã Quang Minh vì lực lượng không cân sức với quân Pháp, một đội viên võ trang tuyên truyền Lường Văn Nía của ta đã anh dũng hy sinh tại chỗ và chiến sỹ du kích Hà Văn Luyện bị trúng đạn ở chân. Anh rơi vào tay giặc, chúng tra tấn dã man nhằm bắt Hà Văn Luyện phải khai báo, nhưng chúng không thể khuất phục được ý chí và tinh thần của du kích dân tộc thái Hà Văn Luyện, bọn chúng đã hèn hạ buộc Hà Văn Luyện vào cột một ngôi nhà sàn của người dân tại bản To Ngùi rồi thiêu sống anh cùng căn nhà sàn đó, du kích Hà Văn Luyện đã anh dũng hy sinh trong sự tiếc thương vô hạn của đảng bộ, chính quyền và nhân dân.
Ngày nay, đến thăm bản To Ngùi, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng nhân dân vẫn không quên giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, trước mắt ta là những ngôi nhà sàn thân yêu, nơi lưu giữ đầy ắp những kỷ niệm của các thế hệ cha ông, đặc biệt khi nhìn những hàng chân cột nhà sàn ta như thấy đội viên võ trang tuyên truyền Lường Văn Nía và du kích gan dạ, kiên cường Hà Văn Luyện đang thanh thản ngồi đan những chiếc ép khẩu, sửa lại những chiếc ghế mây cho các mẹ già. Thật xúc động và tự hào về các anh, về truyền thống cách mạng của một vùng căn cứ với nhiều di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh nằm ngay bên dòng Sông Đà.
Đến nơi đây các bạn hãy theo chân các em nhỏ hoặc cụ già để đi thăm khu Xồ Lộng thuộc bản Chiềng Ban nơi đồng chí Cầm Liên và đồng chí Hà Thị Hom (cán bộ cao cấp của Tỉnh ủy Sơn La) được cử xuống lãnh đạo phong trào nhân dân đấu tranh, phá chính quyền địch, lập chính quyền nhân dân, mở đầu cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ nhưng hết sức vẻ vang. Hãy chinh phục Núi Pông thuộc bản Pơ Tào, xã Mường Tè, để thăm quan Hang Pông nơi cất giữ tài liệu của Tỉnh uỷ Sơn La trong những năm kháng chiến chống Pháp (1947 - 1952) và cũng là nơi có nhiều di chỉ khảo cổ được khai quật năm 1974 với tổng số 213 di vật đá.
Chúng ta dừng chân dưới núi Pu Chột, xã Quang Minh, thăm nơi đặt hòm thư bí mật thời kháng chiến rồi đến đền Hang Miếng linh thiêng và tối về ta ngủ tại bản Lòm để nghe về câu chuyện các mẹ, các chị cùng những du kích Pơ Tào gầy gò, đi chân trần với vũ khí thô sơ dùng “Hũ rượu Ngàm” hạ gục đội quân Pháp cao to với giầy đinh, súng ống sáng loáng, thật là khôn khéo và anh dũng…
Dulichgo
Những câu chuyện về con người và vùng đất này còn nhiều vô kể, các bạn hãy dành thời gian quý báu của mình để thực hiện chuyến du lịch văn hóa lịch sử đến Mường Tè và Quang Minh (thuộc huyện Vân Hồ, Sơn La), hãy đến thăm các địa danh lịch sử, thưởng thức những món ăn ngon và nghe nhiều câu chuyện về vùng đất và con người nơi đây để mỗi bước ta đi thấy thêm yêu tổ quốc và con người Việt Nam hơn.
Nguồn:dulichtafi.blogspot.com
Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017
Thăm Mộc Hạ, nghe chuyện xưa bên Sông Đà
Tags
# Di tích lịch sử
# Địa danh
# hướng dẫn du lịch
hướng dẫn du lịch
Nhãn:
Di tích lịch sử,
Địa danh,
hướng dẫn du lịch
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét