(QBĐT) - Thôn Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, ngôi làng hiền hòa nằm bên bờ thượng nguồn dòng sông Gianh lịch sử. Đây là một làng thuần nông, đất chật, người đông, trước đây người dân quanh năm chỉ trông dựa vào cây lúa nước bằng quỹ đất nông nghiệp ít ỏi và diễn biến thất thường của thời tiết, đời sống quá đỗi chật vật.
Không ngại khó, ngại khổ, người Tân An đã quyết tâm kiếm thêm nghề phụ để tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từ đó nghề làm bánh mè xát đã ra đời. Bánh mè xát Tân An bước ra thị trường trong sự bấp bênh, lam lũ nhưng đã trở thành một thứ quà quê thân quen và hết sức đặc biệt đối với người dân trong vùng và đông đảo du khách thập phương.
Bánh mè xát Tân An ra đời vào khoảng những năm 1900. Loại bánh này là biến thể khéo léo từ chiếc bánh tráng, thường gọi là bánh đa. Bánh có mặt từ thuở khai canh, lập làng, bởi một ông tổ nghề người Hà Tĩnh mang theo cả vợ con, người thân vào làng Tân An để sinh sống, lập nghiệp. Người Tân An ban đầu chế biến bánh mè xát với mục đích khoe khéo tay nghề, xa hơn nữa là nhằm trao đổi cho xóm giềng các loại lương thực, thực phẩm mà bản thân họ tự tay làm ra được.
Dulichgo
Dần dà, đặc tính thơm giòn cộng với vẻ ngoài chân chất của bánh mè xát Tân An đã được nhân dân khắp vùng Bắc, Nam Quảng Trạch biết đến qua lời giới thiệu của người thân, hay qua những chồng bánh làm quà biếu thân tình. Nắm bắt được thị trường, người làm bánh mè xát bằng vốn liếng sẵn có là sự khéo tay cũng như kinh nghiệm và kỹ thuật làm bánh thành thạo được người thân truyền nghề, đã từng bước chuyên môn hóa, cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tính thẩm mỹ của sản phẩm để giới thiệu ra thị trường.
Nhờ thế mà khoảng những năm 1990 trở lại đây, cả vùng Ba Đồn, Quảng Trạch rộng lớn, đi đâu cũng phảng phất hương vị thơm ngon của bánh mè xát Tân An. Không chỉ ở trong tỉnh, hiện tại, loại bánh này còn được tiểu thương các chợ đầu mối lớn Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đặt hàng thường xuyên. Bánh còn được bán sang tận bên các nước bạn Lào, Thái Lan.
Sức hấp dẫn của bánh mè xát nằm ở mùi vị thơm nồng chế biến từ hạt gạo quê và công lao không quản khuya sớm, nắng nôi của người làm bánh. Gạo để xay làm bánh có mùi cám tự nhiên, hạt gạo bóng đẹp và dẻo thơm. Người làm bánh đong đúng lượng gạo vừa đủ, đem vò qua vài lần rồi tiếp tục ngâm qua nước giếng đã lóng phèn sạch khoảng độ vài ba tiếng đồng hồ, tiếp tục vớt ra đãi hết tạp chất. Ngày trước bột được xay trong những chiếc cối đá nhưng bây giờ công việc xay bột hoàn toàn do máy móc làm.
Chất lượng và vẻ ngoài hấp dẫn của mỗi chiếc bánh mè xát phụ thuộc rất nhiều vào lớp mè đã xát vỏ. Nếu trộn mè vào bột nước đậm quá thì chiếc bánh làm ra sẽ không kết hợp hài hòa được giữa mùi thơm ngào ngạt của lúa gạo và vị bùi ngậy của hạt mè. Còn tỉ lệ mè trong bánh quá nhạt thì cho ra vẻ ngoài không bắt mắt và còn ảnh hưởng đến mức độ hài hòa của bánh. Tỉ lệ tương đối mà những người làm bánh Tân An lấy làm quy chuẩn là 10 lon gạo đi cùng khoảng 1,5 đến 2 lon mè.
Dulichgo
Trong quy trình làm bánh, mỗi chiếc bánh được tráng lên nguyên vẹn chỉ mới thành công được phân nửa. Công đoạn phơi bánh mới thực sự công phu. Nói không quá thì tất cả sự khéo tay, kỹ lưỡng và tỉ mẫn của người làm bánh dường như tập trung vào công đoạn này hết. Bởi lật trở làm sao cho bánh hấp thụ đủ nắng để bánh giòn, dai, nức nao mùi thơm của gạo và vừng là một công việc còn đòi hỏi đức tính kiên nhẫn và chịu khó.
Bánh phơi quá nắng thì khi gom lại sẽ dễ cong queo, vỡ viền, còn chiếc bánh phơi không được nắng thì mất luôn vị hương gạo quê đã đành, lại còn nhanh chóng chuyển sang màu nâu buồn, ỉu xìu và dễ mốc meo khi bảo quản.
Cùng có tên gọi là bánh mè xát nhưng người Tân An đã sáng tạo ra tới 3 thứ bánh có mùi vị và hình thức khác nhau. Đầu tiên là bánh mè xát mỏng có đường kính khoảng 20cm. Người ta giã mịn hạt mè trộn với bột gạo rồi đem tráng ra thật mỏng dùng để làm ram cuốn hay bánh cuốn với rau, thịt, cá, ăn cũng hết sức hấp dẫn. Tiếp đến là bánh mè xát dày là loại bánh tráng theo kiểu truyền thống. Bánh này khi nướng lên có một lớp mè có màu nâu nhạt, trông rất bắt mắt. Cuối cùng là bánh mè xát đường, có vị ngọt thanh đặc trưng, thích hợp nhất cho việc ăn vặt, nhấm nháp lúc thảnh thơi...
Gìn giữ và phát huy nghề làm bánh truyền thống. Tháng 10-2010, HTX bánh mè xát Tân An ra đời bởi người phụ nữ tâm huyết của làng: chị Phan Thị Cẩm Tú. HTX chịu trách nhiệm đầu tư máy móc (hiện tại Tân An đã có gần 50 máy làm bánh, mỗi máy sử dụng trên 10 nhân công), cải tiến mẫu mã sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp nguyên liệu, thu mua cũng như đóng gói sản phẩm và cả khâu tiêu thụ. Bánh mè xát từ ngày danh chính ngôn thuận đến tay người tiêu dùng và được HTX bảo hộ nên không sợ thương lái ép giá, người làm nghề phấn khởi vì thu nhập đã tăng cao và ổn định.
Dulichgo
Bánh mè xát đồng hành cùng bao nỗi gian truân với người Tân An. Cuộc sống nay đã khấm khá, nhà cửa khang trang mọc lên san sát, quê hương đổi thay từng ngày, người làm bánh Tân An càng yêu hơn hạt gạo quê mình, càng gắn bó hơn với nghề truyền thống của ông cha...
Nguồn:dulichtafi.blogspot.com
Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét