(Tiếp theo) - Đêm đến, trong khi nhóm nghiên cứu thực vật thức cùng những mẫu vật đem về để khẩn trương xử lý, nhóm nghiên cứu động vật băng rừng đi “săn”.
Giải phẫu mẫu vật
Sau một ngày làm việc, bữa cơm tối được nấu đơn giản nhưng thật sinh động khi mọi người kể cho nhau nghe về một ngày làm việc của nhóm mình. Sau bữa ăn, mọi người tiếp tục công việc, thạc sĩ Nguyễn Quốc Đạt mang mẫu vật ra giải phẫu. Con dao dùng để giải phẫu trong y học trở thành công cụ đắc lực, kết hợp với một chiếc kính lúp để xẻ những chi tiết rất nhỏ trên cánh hoa, nhị hoa trà một cách tỉ mẫn đến từng chi tiết trông như các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân.
Mỗi chi tiết được xẻ ra, thạc sĩ Đạt đều chụp hình lại, bởi đó là cơ sở ban đầu và rất quan trọng để làm dữ liệu cho việc nghiên cứu sau này. Có những chi tiết tốn cả giờ mới hoàn thành. “Lúc này, mẫu vật còn xanh và nguyên lành, nếu không tranh thủ và làm kỹ thì xem như công cốc” - thạc sĩ Đạt nói.
Cơn mưa đêm khiến cái lạnh rừng già càng thêm buốt. Thế nhưng công việc giải phẫu cây vẫn phải tiếp tục vì để lâu sẽ hỏng mẫu vật không làm được. Chỉ có những người làm công việc thầm lặng này mới thấy được việc tìm danh phận cho rừng khó khăn đến mức nào. Chính những thành viên trong đoàn cũng cho biết, bạn bè, người thân cứ nghĩ công việc của họ là đi thực địa, tìm kiếm, chụp ảnh lại và mang mẫu vật về nghiên cứu. Không ai biết rằng, họ phải giải phẫu, ghi lại nét riêng của từng mẫu vật dù là nhỏ nhất. Bởi nhiều loại cây có bề ngoài giống nhau nhưng lại khác nhau hoàn toàn về giống loài, hay là một chi khác “đột biến” do hệ sinh thái, thời tiết, độ cao… nơi cây sinh trưởng khác nhau. “Nói chung rất ít người biết, quá trình công bố tên một loài thực vật mới, chúng tôi phải làm kỹ như thế nào. Mọi người thường chỉ nghĩ đơn giản là nhìn bằng mắt thường cộng với kiến thức là có thể xem mặt đặt tên rồi” - thạc sĩ Đạt nói.Dulichgo
Chúng tôi cũng khá bất ngờ vì khi ở điểm phát hiện ra loài cây, đoàn nghiên cứu đã ghi lại rõ ràng vị trí tọa độ, nhóm cây và chụp ảnh lại mẫu vật. Nhưng khi chứng kiến “hậu trường” mới thấy còn có một công đoạn rất công phu nữa. Thạc sĩ Đạt cho biết đây chỉ là công đoạn mang bước chuyển, khi về đến viện, mẫu vật sẽ được các chuyên gia hàng đầu ở đây tiếp tục nghiên cứu.
“Thậm chí nhiều loài thực vật, chúng tôi phải gửi đi nước ngoài để các chuyên gia quốc tế cùng với mình định dáng chính xác và đặt tên. Như loài hoa trà tôi đang giải phẫu đây rất khác về nhị hoa, cánh và cả lớp lông bên ngoài. Không kỹ sẽ không thấy được. Từ những dữ liệu này về đến viện sẽ tiếp tục nghiên cứu nguồn gen, giống loài sau đó công bố và định tên” - thạc sĩ Đạt nói.
“Săn” đêm
Đêm xuống mù mịt, cơn mưa rừng lạnh buốt như thách thức những người làm khoa học. Nhóm thực vật chỉ đi rừng ban ngày, còn nhóm động vật và côn trùng phải đi cả vào ban đêm. Thạc sĩ Trần Văn Bằng (Phó Trưởng phòng Động vật học, Viện Sinh thái học miền Nam) dẫn đầu nhóm nghiên cứu về động vật cả ngày leo núi cùng với chiếc máy ảnh lang bạt khắp rừng chụp lại từng chú chim, con thú thì buổi tối lại tiếp tục vào rừng rọi đèn pin tìm kiếm các loài động vật khác. Đi cùng nhóm, chúng tôi càng thấu hiểu được sự nguy hiểm và mệt nhọc của công việc tìm danh phận cho rừng mà họ đang làm.
Cứ hình dung, đi trong rừng già ban ngày dã thú và sự trơn trượt của đá, lớp mùn dày cũng dễ trở thành cái bẫy, thì đi vào ban đêm khó khăn đến mức nào. Những loài động vật lưỡng cư như ếch, nhái và bò sát chỉ xuất hiện vào ban đêm nên thạc sĩ Bằng bảo rằng “phải phiêu với đêm mới thu lại kết quả”.
Dulichgo
Chúng tôi theo chân nhóm thạc sĩ Bằng đi dọc một con suối lấp đầy cây dại ở cánh rừng pơmu. Chừng hai giờ đi ngược theo dòng suối, chúng tôi có 6 lần giáp mặt với rắn độc. Trong đó, nguy hiểm nhất là lần gặp con rắn cạp nong dài chừng 1,5m. Nếu không có sự quan sát có nghề của thạc sĩ Bằng thì có lẽ người nào đó trong nhóm đã bị con rắn này tấn công. Thạc sĩ Bằng chia sẻ, làm công việc này nếu không đủ đam mê rất dễ bỏ nghề vì những hiểm nguy từ rừng.
Rắn chỉ là một trong những nguy hiểm mà người làm khoa học đối mặt vào ban đêm trong rừng; còn nhiều loài dã thú khác đi ăn đêm có thể tấn công bất cứ lúc nào. “Trong rừng già không gì là không thể xảy ra. Mình phải thích nghi với môi trường. Khi đi phải quan sát kỹ và lắng nghe tiếng động. Rừng mà có âm thanh gì đó bất thường là phải cẩn trọng. Thường thì con vật không có ý tấn công mình, nhưng sẽ rất nguy hiểm khi chúng ta vô tình làm ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng” - thạc sĩ Bằng chia sẻ.
Với chuyên ngành nghiên cứu động vật, việc tiếp cận và có được một mẫu vật mang về của nhóm thạc sĩ Bằng là rất khó khăn. Ngay cả việc chụp ảnh cũng phải “mai phục” hàng giờ liền và gần như bất động. Trong chuyến đi này, thạc sĩ Bằng may mắn khi thu về một số loài ếch rất lạ chưa từng thấy ở những nơi khác. “Có thể chỉ ở những cánh rừng không bị tác động nhiều của con người và có hệ sinh thái trên cao mới có được loại ếch có màu sắc và thân hình như thế này” - thạc sĩ Bằng nói về những bức ảnh vừa chụp được.
Đêm nào cũng phải đến một giờ sáng nhóm thạc sĩ Bằng mới trở về lại điểm đóng quân, rồi lập tức lấy mẫu vật ra ngâm cồn bảo quản, trước khi mang về viện nghiên cứu. Anh em trong đoàn bảo, những người nghiên cứu chuyên ngành động vật như thạc sĩ Bằng “khắc nghiệt” hơn rất nhiều bởi để chứng minh sự đa dạng của rừng Việt Nam không chỉ có thực vật mà còn động vật. Hơn sáu năm “đầu quân” cho Viện Sinh thái học miền Nam thạc sĩ Bằng mang về rất nhiều mẫu vật; trong đó, qua nghiên cứu đã phát hiện hơn 10 loài động vật lạ chưa từng được biết đến trước đó. Và hy vọng trong số những mẫu vật nhóm nghiên cứu động vật mang về lần này từ cánh rừng pơmu của Tây Giang (chủ yếu là ếch nhái và các loài bò sát), sẽ có thêm vài loài sinh vật mới được công bố.
Trong mỗi chuyến khảo sát nghiên cứu của Viện Sinh thái học miền Nam, dù ở cánh rừng nào, luôn có một lực lượng hỗ trợ vô cùng quan trọng: người dẫn đường. Và trong các đợt nghiên cứu ở cánh rừng Tây Giang, nhóm luôn được chính quyền địa phương bố trí hai người dẫn đường đặc biệt, mà người dân bản địa gọi họ là “đứa con của thần rừng”.
Những tay máy “chuyên nghiệp”
Dulichgo
Trong hành trang của những nghiên cứu viên Viện Sinh thái học miền Nam mang theo mỗi chuyến đi rừng, ngoài máy móc, công cụ hỗ trợ cho công việc, còn có một “trợ thủ” đắc lực là máy ảnh. Những ống kính siêu zoom, tele, hay những ống kính hỗ trợ chụp tiểu tiết đều có đủ. Mỗi chuyên ngành phải mang theo một loại ống kính khác nhau để có được những hình ảnh tốt nhất phục vụ cho công việc. Những thành viên trong đoàn đều có thể kể vanh vách ống kính tiêu cự ngắn sẽ giúp cảnh rộng hơn, ống kính tiêu cự dài có thể giúp chụp cận cảnh những vật thể ở rất xa; khẩu độ, tốc độ của máy cũng được chỉnh một cách nhanh gọn để lấy được một bức ảnh vừa ý.
(Còn tiếp)
Theo dấu rừng xanh - Kỳ 1: Đo tuổi cho pơmu
Theo dấu rừng xanh - Kỳ 2: Trở lại Tây Giang
Theo dấu rừng xanh - Kỳ 3: Đêm giữa đại ngàn
Theo dấu rừng xanh - Kỳ cuối: Những đứa con của thần rừng
Nguồn:dulichtafi.blogspot.com
Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017
Theo dấu rừng xanh - Kỳ 3: Đêm giữa đại ngàn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét